Biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng rất phổ biến trong các tác phẩm văn học. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu biện pháp tu từ điệp ngữ là gì? Và cách phân loại điệp ngữ được dùng trong các tác phẩm văn học như thế nào? Tham khảo chi tiết dưới đây nhé!
Biện pháp tu từ điệp ngữ là gì?
Điệp từ hay điệp ngữ chính là một biện pháp tu từ được sử dụng quen thuộc trong các tác phẩm văn học. Biện pháp tu từ này chính là cách tác giả lặp đi, lặp lại một từ hay một cụm từ nhằm mục đích nhấn mạnh, khẳng định và làm nổi bật vấn đề mà mình muốn nói đến.
Biện pháp tu từ điệp ngữ sẽ làm gia tăng sức gợi hình, gợi cảm và tăng sự biểu đạt cho câu văn, câu thơ. Tạo cảm xúc cho người đọc, người nghe khi tiếp cận với các tác phẩm văn học.
Ví dụ:
Trong bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt có một đoạn thơ sử dụng biện pháp tư từ điệp ngữ như sau:
“Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen.
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn.
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
Như vậy cụm từ “Một ngọn lửa” được lặp đi lặp lại nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa do và nhen nhóm lên có sức sống mãnh liệt. Dù chỉ là một đốm lửa nhỏ nhưng khi thắp lên đã thể hiện được sự trường tồn gây ấn tượng cho tác giả cho đến lúc khôn lớn rời xa vòng tay bà.
Xem thêm: Biện pháp tu từ ẩn dụ là gì?
Tác dụng của điệp ngữ trong đoạn văn, đoạn thơ
Việc sử dụng biện pháp điệp ngữ để lặp đi lặp lại các từ ngữ góp phần giúp nhấn mạnh ý nghĩa và biểu thị tốt nhất những nội dung mà tác giả muốn truyền đạt. Từ đó, người đọc và người nghe có thể thấm nhuần tư tưởng, tình cảm và cảm xúc của tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm.
Ngoài va, sự vận dụng điệp từ và điệp ngữ vào trong các câu văn, câu thơ còn làm gia tăng tính vần điệu và nhạc cảm. Nó sẽ khiến cho câu văn, câu thơ trở nên tha thiết, nhịp nhàng và đầy rung cảm hơn.
Để có thể hiểu rõ hơn về tác dụng của điệp ngữ, chúng ta sẽ phân tích đoạn văn sau:
Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào… Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở…
Trong đoạn văn này, chúng ta thấy điệp ngữ Tôi yêu đã xuất hiện đến 4 lần. Nó đã giúp cho người đọc thấy được tình yêu nồng nhiệt và say đắm của tác giả đối với Sài Gòn. Khi tác giả lặp đi lặp lại từ Tôi yêu cũng đã tạo nên âm điệu da diết mà sôi nổi tạo nên dấu ấn khó phai đối với người đọc.
Như vậy, chúng ta thấy rằng điệp từ chính là một biện pháp nghệ thuật đặc biệt. Nó được ứng dụng nhiều trong các tác phẩm văn học Việt Nam từ truyện ngắn, thơ ca, văn xuôi, hò vè….
Tham khảo thêm: Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê
Các dạng của điệp ngữ được sử dụng phổ biến
Trên thực tế cùng là điệp ngữ nhưng người ta lại phân chia thành các dạng như sau: điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng). Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích cho các bạn thấy được sự khác biệt giữa 3 hình thức điệp ngữ:
Điệp ngữ cách quãng
Điệp ngữ cách quãng chính là hình thức mà tác giả lặp lại một cụm từ. Và trong đó, các từ, cụm từ này sẽ được đặt cách quãng với nhau, không có sự liên tiếp.
Ví dụ:
“… Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”
Cụm từ “Nhớ sao” là điệp ngữ cách quãng cứ cách 1 câu thơ lại lặp lại 1 từ “nhớ sao”. Việc sử dụng điệp ngữ như thế này đã giúp cho người đọc thấu hiểu được hơn tâm trạng và cảm xúc nhớ nhung da diết của tác giả. Và hơn nữa việc sử dụng điệp ngữ cách quãng còn khiến cho câu thơ giàu vần điệu hơn.
Điệp ngữ nối tiếp
Điệp ngữ nối tiếp chính là việc lặp đi lặp lại một từ, cụm từ có sự nối tiếp nhau. Khi đặt các từ này nối tiếp nhau như vậy sẽ giúp nhấn mạnh được điều mà tác giả muốn người đọc hiểu. Và từ đó truyền tải được nội dung của tác phẩm một cách sâu sắc hơn.
Ví dụ:
“Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Những cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn.
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách áo mở tung, trắng cả trời chiều”
Trong đoạn thơ trên, chúng ta thấy xuất hiện điệp ngữ nối tiếp là hai cụm từ “rất lâu”, “Khăn xanh”. Với từ “rất lâu, rất lâu” ý muốn nói nhân vật anh trong câu thơ đã dành nhiều thời gian để đi tìm người anh thương. Và điệp từ “khăn xanh, khăn xanh” được lặp đi lặp lại cho thấy số lượng các chiến sĩ nữ thanh niên xung phong ở chiến trường rất nhiều. Họ là những cô gái tuổi đôi mươi đã cùng nhau cống hiên cho tổ quốc.
Điệp từ chuyển tiếp (điệp từ vòng)
Điệp từ chuyển tiếp là hình thức sử dụng các từ ngữ lặp đi, lặp lại mang tính chất vòng tròn. Việc sử dụng điệp từ vòng sẽ giúp nhấn mạnh những gì mà tác giả muốn nói. Đồng thời giúp cho câu văn, câu thơ tăng sức gợi hình và gợi cảm hơn.
Ví dụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
Trong ví dụ trên, chúng ta thấy có điệp từ nối tiếp là từ “thấy” và “ngàn dâu”. Những từ này được lặp đi lặp lại cho thấy sự mong mỏi của nhân vật trữ tình khi tìm kiếm người mình thương. Mặc dù đã mỏi mắt tìm xung quanh nhưng vẫn không thấy được người mình yêu. Mà chỉ nhìn thấy ngàn dâu xanh ngắt một màu. Những câu thơ đã lột tả được tâm trạng buồn tủi của người con gái.
Bài viết liên quan: Một số biện pháp tu từ cú pháp
Bài tập phân tích tác dụng của biện pháp điệp ngữ:
Để có thể tìm hiểu và nhận biết biện pháp tu từ điệp ngữ tốt hơn, chúng tôi sẽ giới thiệu một số bài luyện tập cụ thể như sau:
Bài tập 1:
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy.
Ở trong đoạn thơ được trích từ bài thơ Gửi em Cô thanh niên xung phong của nhà thơ Phạm Tiến Duật, chúng ta thấy tác giả đã sử dụng biện pháp lặp từ nối tiếp với từ: “thương em”. Từ này mang ý nghĩa vô cùng gợi cảm. Cụm từ “thương em” được lặp lại nhiều lần trong các câu thơ nhằm diễn tả tình cảm của tác giả đối với cô thanh niên xung phong.
Bài tập 2:
Ngày xuân mở nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu, rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
(Tố Hữu)
Ở trong đoạn thơ trên của bài thơ Việt Bắc. Chúng ta thấy tác giả Tố Hữu đã sử dụng điệp từ “Nhớ” để lột tả nỗi nhớ Việt Bắc của bản thân. Và dạng điệp từ ngày là điệp từ ngắt quãng, cứ cách 1 câu thơ lại lặp lại từ nhớ 1 lần.
Ý nghĩa của việc sử dụng điệp từ trong đoạn thơ đó chính là giúp tác giả “Nhớ” lại những khung cảnh thiên nhiên đẹp của núi rừng Tây Bắc. Nơi đó có:
“Ngày xuân mở nở trắng rừng”
“Ve kêu, rừng phách đổ vàng”
“Rừng thu trăng rọi hòa bình”
Chỉ với 3 câu văn trên đã giúp tạo nên một bức tranh Việt Bắc với 3 mùa đẹp nhất trong năm là: xuân, hạ, thu.
Và cách sử dụng điệp ngữ trong đoạn trích cũng như cả bài thơ đã làm nổi bật hồi ức của tác giả và cũng vừa mang đến cảm xúc mãnh liệt cho người đọc, người nghe. Mặc dù có thể chưa được đến nơi đây, nhưng nhờ câu thơ của Tố Hữu mà các độc giả đã dễ dàng mường tượng ra một bức tranh sống động về thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Hy vọng những kiến thức trên đây của Tạp Chí Giáo Dục sẽ giúp cho các bạn biết biện pháp tu từ điệp ngữ là gì? Và biết cách phân biệt các loại điệp ngữ được sử dụng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật nhé!