Trong chương trình ngữ văn THCS và THPT, các bạn học sinh sẽ được làm quen với rất nhiều biện pháp tu từ khác nhau. Và câu hỏi tu từ là một trong những biện pháp tu từ khá quen thuộc. Bài viết dưới đây, Tạp chí giáo dục sẽ giới thiệu cho các bạn câu hỏi tu từ có tác dụng gì? Phân biệt câu hỏi tu từ và biện pháp tu từ khác nhau như thế nào nhé!
Câu hỏi tu từ là gì?
Câu hỏi tu từ là loại câu hỏi thường được dùng nhiều trong văn học nghệ thuật. Dạng câu hỏi này sẽ không được dùng nhằm mục đích tìm kiếm câu trả lời, làm rõ vấn đề. Mà mục đích của nó lại là khẳng định hay nhấn mạnh nội dung mà người nói người viết muốn gửi gắm.
Người ta sử dụng các câu hỏi này không nhằm mục đích nghi vấn mà phục vụ mục đích nhấn mạnh và bổ sung cho người đọc, người nghe cần phải chú ý. Hỏi chỉ là cách thức thể hiện chứ không phải mục đích.
Tùy theo văn cảnh mà các bạn có thể lựa chọn câu hỏi nhằm mục đích suy tư, băn khoăn, trăn trở. Hoặc sử dụng câu hỏi thể hiện cảm xúc, thái độ, tình cảm của người nói. Dùng câu hỏi để thể hiện sự khẳng định hay phủ định điều mà người nói muốn hướng tới.
Xem thêm: Phép liên kết là gì?
Đặc điểm của câu hỏi tu từ
Ở trên chúng ta đã biết câu hỏi tu từ là gì rồi nhưng nhiều người vẫn chưa nhận biết được loại câu hỏi này. Nên dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ những đặc điểm của câu hỏi này cho các bạn tham khảo. Dựa vào những đặc điểm này mà các bạn có thể phân biệt được với những dạng câu khác. Cụ thể như sau:
- Có tác dụng bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ muốn nhấn mạnh một nội dung nào đó của người nói.
- Cũng có hình thức của một câu nghi vấn bình thường với dấu hỏi chấm ở cuối câu.
- Luôn luôn chứa đựng một nội dung ngầm phán đoán nào đó bên trong. Nó có thể là khẳng định hoặc phủ định nội dung phán đoán của người đặt câu hỏi.
- Thường được dùng với mục đích là khẳng định và nhấn mạnh nội dung mà người nói muốn biểu đạt. Hoặc câu hỏi tu từ còn được dùng theo cách ẩn dụ, nói lái đi nhằm thể hiện ý chê trách một điều gì đó.
- Một số câu hỏi tu từ mặc dù mang tính phủ định nhưng lại mang hàm ý khẳng định ngầm với mệnh đề tương ứng. Và ngược lại, một số câu hỏi mặc dù không chứa từ phủ định nhưng lại mang hàm ý thể hiện sự phủ định với mệnh đề tương ứng.
Tác dụng của câu hỏi tu từ
Như vậy, chúng ta thấy tác dụng chính của câu hỏi dạng này là nhấn mạnh nội dung mà người nói muốn biểu đạt. Như vậy chúng ta có thể thấy, các câu hỏi tu được đặt ra thường chỉ nhằm mục đích tập trung sự chú ý của người nghe hoặc là người đọc. Về hình thức thì là một câu hỏi nhưng về bản chất thì nó sẽ là câu khẳng định hoặc là câu phủ định có cảm xúc.
Loại câu hỏi này thường được sử dụng rất nhiều trong các văn bản nghệ thuật. Do đó, nó sẽ làm cho lời văn trở nên sinh động và mang lại cho người đọc những tưởng tượng sinh động. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng có thể bắt gặp những câu hỏi này trong các cuộc đối thoại. Và các câu hỏi này nhằm mục đích khẳng định hoặc phủ định ý nghĩ của người nói với người nghe.
Phân biệt câu hỏi tu từ và biện pháp tu từ
Trên thực tế có nhiều bạn học sinh bị nhầm lẫn giữa câu hỏi tu từ và biện pháp tu từ. Dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn phân biệt:
Về mặt khái niệm biện pháp tu từ chỉ những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các văn bản thơ ca nghệ thuật hoặc trong đời sống hàng ngày. Tác dụng của các biện pháp này thường là tăng tính gợi hình, gợi tả, nhấn mạnh cho ý tác giả muốn nói.
Còn biện pháp tu từ chỉ là một biện pháp nhỏ nằm trong các biện pháp tu từ được sử dụng hiện nay. Nó được dùng chỉ các câu hỏi mang tính chất nghi vấn nhưng lại không cần câu trả lời. Mà người hỏi đôi khi sẽ tự mình trả lời câu hỏi rồi.
Phân biệt câu hỏi tu từ và câu hỏi thường
Để phân biệt câu hỏi tu từ và câu hỏi thường, chúng ta sẽ dựa vào tính chất của câu hỏi này. Theo đó:
Về mặt tính chất
Đây là một biện pháp nghệ thuật mà ở đó người hỏi không phục vụ cho mục đích trả lời. Họ có thể vừa hỏi vừa trả lời. Và việc đặt ra câu hỏi này có thể nhằm mục đích nhấn mạnh ý nghĩa nào đó mà tác giả muốn gửi gắm.
Câu hỏi thường được sử dụng để thể hiện nghi vấn và yêu cầu đối tượng được hỏi phải cung cấp câu trả lời, thông tin theo đúng yêu cầu. Người ta sử dụng câu hỏi thường trong cả văn thơ, ca dao, tục ngữ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đây là loại câu được sử dụng để khai thác thông tin, nắm bắt tình hình rất hiệu quả.
Về mặt cấu trúc
Về mặt cấu trúc ngữ pháp thường không đầy đủ và có thể tỉnh lược đi một số thành phần. Do câu hỏi không nhằm mục đích trả lời nên có thể dạng đoản cú.
Câu hỏi thường nhằm mục đích lấy thông tin thì cần có cấu trúc đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Các thành phần đầy đủ mới có thể làm được rõ nghĩa của câu hỏi từ đó yêu cầu đối tượng trả lời chính xác hơn.
Một số ví dụ
Bài tập 1: Câu hỏi bộc lộ sự suy tư, băn khoăn, trăn trở
Hãy thức dậy, đất đai!
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…
xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm
rồi thì đi xa hơn – đẹp, và giàu, và sung sướng hơn
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
châu báu vô biên dưới thềm lục địa
rừng đại ngàn bạc vàng là thế
phù sa muôn đời như sữa mẹ
sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
***
Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên…
Tp. Hồ Chí Minh 1980 – 1982
(Trích “Đánh thức tiềm lực” trong Tập thơ: Ánh trăng – Cát trắng – Mẹ và em,
Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2015, tr. 289-290)
Trả lời:
– Câu hỏi tu từ: ”còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào? lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?”
– Tác dụng: Bộc lộ sự băn khoăn, trăn trở của tác giả trước thực trạng đất nước giàu tài nguyên nhưng vẫn còn nghèo.
* Trong bài thơ ”Sóng” của Xuân Quỳnh:
– Câu hỏi tu từ: Từ nơi nào sóng lên?
– Tác dụng: Nó có tác dụng gợi sự suy tư, băn khoăn, trăn trở của tác giả về cội nguồn của sóng – tình yêu.
Bài tập 2: Câu hỏi tu từ bộc lộ cảm xúc, thái độ, tình cảm của người nói
* Trong bài thơ ”Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử có câu:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ.
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc?
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Trả lời:
– Câu hỏi tu từ: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
– Tác dụng: Nhằm mục đích bộc lộ tâm trạng khao khát muốn được trở về thôn Vĩ của tác giả.
– Câu hỏi tu từ: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc?
– Tác dụng: Tác giả bộc lộ sự ngỡ ngàng, bâng khuâng trước của mình trước vẻ đẹp non tơ, mượt mà của khu vườn thôn Vĩ.
Bài tập 3: Câu hỏi tu từ thể hiện sự khẳng định hay phủ định điều mà người nói muốn hướng tới.
* Trong bài thơ ”Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu:
– Câu hỏi tu từ:
Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
– Tác dụng của câu hỏi tu từ nhằm khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp tuyệt trần của người con gái Việt Nam.
Tham khảo thêm: Biện pháp tu từ ẩn dụ
Tạm kết:
Hy vọng thông qua những kiến thức Tạp Chí Giáo Dục trên đây đã giúp cho các bạn hiểu được câu hỏi tu từ là gì? Có tác dụng gì? Cách sử dụng câu hỏi tu từ như thế nào hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày.