Chí Phèo muốn làm người lương thiện nhưng tại sao lại giết người

Date:

Đề bài: Chí Phèo Muốn Làm Người Lương Thiện Nhưng Tại Sao Lại Đi Giết Người ?

BÀI LÀM

“Tao muốn làm người lương thiện!” nhưng “Ai cho tao lương thiện bây giờ?”… Những khẩn cầu da diết của một anh Chí chuyên đi rạch mặt ăn vạ, sống say xỉn suốt ngày cuối cùng cũng làm lòng người vương chút xót thương. Chỉ tiếc rằng, đến lúc nhận ra đâu là cái thiện, cái ác lại chính là lúc Chí kết liễu cuộc đời mình. Kết cục bi thảm của câu chuyện, khiến người đọc tự đặt ra câu hỏi đầy day dứt: Chí muốn làm người lương thiện, nhưng tại sao lại đi giết người?

Phải chăng nhà văn Nam Cao đã cố tình để “đứa con đẻ” của mình vào hoàn cảnh éo le, để rồi ông phải đau đớn cởi nút thắt ấy bằng chính máu và nước mắt của những người nông dân cùng khổ giống như Chí? Chí là một đứa trẻ mồ côi, không cha không mẹ. Chí chưa một lần được biết đến hơi mẹ. Cả làng Vũ Đại thay nhau nuôi nấng Chí. Cho đến khi làm được việc, Chí đi ở cho nhà Bá Kiến để lấy chỗ nương thân sinh sống qua ngày. Ngỡ rằng, cuộc đời làm nô bộc cứ thế qua đi, nhưng sự đời éo le cùng những tai họa đã ập đến với Chí. Chí bị bà ba – vợ ba của Bá Kiến dụ dỗ, hãm hại đẩy vào tù. Oan ức, cay nghiệt và lòng thù hận đã theo Chí trong suốt những năm tháng dài đày ải trong tù. Khiến Chí từ một chàng thanh niên hiền lành tốt bụng trở thành một con quỷ dữ khi quay lại làng. Giờ đây, trước mắt mọi người là một con quái vật suốt ngày say xỉn, chuyên đi rạch mặt ăn vạ với những trận chửi om sòm, nghiệt ngã. Mãi cho tới khi gặp Thị Nở, dù chỉ là một cuộc tình chóng vánh mỏng manh với người đàn bà dở hơi, xấu xí nhưng chính từ những điều tưởng chừng như buồn cười ấy lại làm nên bước ngoặt lớn cho cuộc đời Chí. Lần đầu tiên Chí tỉnh rượu, lần đầu tiên hắn thấy yêu cuộc sống, yêu những điều giản dị nhất, hắn ý thức về tuổi tác, về sự đời, về những gì sắp diễn ra trước mắt mình. Cái bản chất lương thiện trong Chí đã được đánh thức sau bao ngày bị vùi dập trong men say. Nhưng bất hạnh chưa hết, Thị bỏ rơi Chí giữa lúc tình yêu đang say đắm, nồng nàn. Trong cơn tuyệt vọng, Chí càng thức tỉnh hơn, càng hiểu hơn vì sao mình ra nông nỗi này. Và Chí đã đi đến một quyết định rất táo bạo: giết chết Bá Kiến rồi tự tử để làm người lương thiện. Tình cảnh oái oăm, bi thương này khiến người đọc không khỏi xót thương và đưa ra câu hỏi: Chí muốn làm người lương thiện nhưng tại sao lại đi giết người?\

Giết người là tội ác, là hành động của kẻ ác nhân chứ đâu phải của người lương thiện? Lương thiện là cứu người, là yêu thương, là nâng đỡ nhau. Hay tại Chí không hiểu lương thiện là gì? Không phải, Chí là người đã từng trải qua rất nhiều nỗi đau, nỗi đau thiếu vắng mẹ cha, nỗi đau bị oan ức, rồi lại đến nỗi tuyệt vọng khi bị “người yêu” cự tuyệt tình yêu, rõ ràng Chí hiểu hơn ai hết lương thiện là gì. Hơn nữa, vốn dĩ trước đây Chí cũng từng là một con người lương thiện. Nhưng do hoàn cảnh, do cái ác xung quanh Chí quá nhiều, lòng lương thiện của Chí không thể nào chống lại được những kẻ tà ác kia. Giữa một Bá Kiến và bọn cường hào tham lam, giữa những bà vợ dâm ô và độc ác, một mình Chí làm sao chống đỡ được khi bọn họ đã muốn hãm hại Chí. Thực ra, Chí hiểu rất rõ bản chất của Bá Kiến và bè lũ tay sai của hắn là tàn bạo, là bất nhân. Nếu bọn chúng còn sống ngày nào thì Chí không thể được làm người lương thiện ngày ấy. Bởi thủ đoạn của chúng quá thâm độc, Chí không chống cự lại được. Chí muốn làm người tốt, muốn có một cuộc sống thật bình yên với vợ với con. Nhưng tiếc rằng ước mơ ấy chỉ vừa mới kịp nảy lên trong đầu đã vội vàng bị dập tắt. Lý do ư? Là do Thị Nở dở hơi? Hay do người bà cô đanh đá của Thị lúc nào cũng kìm kẹp cháu mình nên Thị sợ không dám yêu nữa? Tất cả đều đúng, nhưng đằng sau những lý do ấy còn có một lý do khác mang yếu tố quyết định. Đó chính là vì những tàn ác, những định kiến của xã hội, của chế độ phong kiến bất nhân. Mà trong chế độ ấy, Bá Kiến chính là một trong những kẻ cầm đầu. Bởi thế, Chí đã xác định rất rõ kẻ thù của mình, chính là Bá Kiến chứ không phải người đàn bà đã cự tuyệt, đã hất tay Chí một cách phũ phàng.

Chí giết Bá Kiến để làm người lương thiện là hoàn toàn đúng. Mặc dù đó là hành động giết người, nhưng trong cái xã hội ấy, hành động này lại là hành động đáng được nhân dân hưởng ứng. Bởi giết Bá Kiến là giết bọn tàn ác, bất nhân. Bọn chúng không chỉ đàn áp mình Chí mà còn đàn áp tất cả những ai thấp cổ bé họng như Chí. Biết bao nhiêu người nông dân cũng đang phải khổ sở chịu đựng cảnh sống lầm than, oan ức như Chí mà không thể nào lên tiếng được. Bọn chúng còn sống ngày nào, nhân dân còn khổ sở ngày đó. Có lẽ, trong những giây phút tủi hờn, Chí nghĩ rằng mình chẳng còn gì phải đáng tiếc cho cuộc đời này, mẹ không, cha cũng không, rồi đến ngay cả một mảnh tình vắt vai tưởng chừng như hạnh phúc cũng vừa bị vụt tắt ngay trong chốc lát, vậy thì Chí còn sống trên cõi đời này làm gì? Rồi khi Chí già nua, ai sẽ bên cạnh, lúc ốm đau mệt mỏi, chắc chỉ có mình Chí nằm co ro hưu quạnh trong túp lều rách nát. Chí nghĩ về sự cô đơn, nó còn đáng sợ hơn cả bệnh tật. Bởi thế, cái chết lúc này vừa giải thoát Chí khỏi cuộc đời đầy ngang trái, vừa là động lực để Chí cầm giao giết chết kẻ cầm quyền ác độc kia.

Chí giết chết Bá Kiến rồi tự tử – hành động giết người nhưng lại được mang tên là lương thiện. Tại sao ư? Bá Kiến chết, nhân dân sẽ bớt khổ dù sau hắn vẫn còn những bè lũ tay say. Nhưng ít nhất cái chết của hắn cũng là một mũi dao chĩa thẳng vào đồng bọn của hắn và cảnh cáo rằng: con giun xéo lắm cũng quằn, nhất định sẽ có ngày họ đứng lên để giành lại quyền sống, quyền tự do cho chính mình. Chí chết, nhưng vẫn còn bao nhiêu người dân nữa, họ sẽ cùng nhau đoàn kết hợp sức lại lật đổ chế độ phong kiến bạo tàn thâm độc.

Chí giết Bá Kiến không chỉ vì mối thù riêng của bản thân mà vì Chí không muốn ai bị lâm vào hoàn cảnh giống mình nữa. Hơn nữa, Chí hiểu rằng nếu hắn còn sống, thì Chí vẫn sẽ là một kẻ chuyên đi đâm thuê chém mướn, chuyên rạch mặt ăn vạ. Chí không muốn tiếp tục những chuỗi ngày cay đắng, bê tha ấy nữa. Chí muốn kết thúc cuộc đời hắn, và cũng kết thúc cả cuộc đời mình để mọi người không còn phải nghe những tiếng chửi đổng om sòm nữa.

Bởi thế, hành động Chí giết Bá Kiến là hoàn toàn đúng, và lúc này tâm trí của Chí cũng hoàn toàn tỉnh táo. Chí không say. Chí làm rất đúng. Nhà văn Nam Cao đã rất thành công khi dẫn dắt và sắp đặt cho các nhân vật của mình vào những tình huống éo le nhưng lại rất hợp tình hợp lý. Chí giết Bá Kiến cũng chính là ý niệm của ông khi ông chứng kiến cảnh dân mình phải chịu áp bức bóc lột nặng nề đến mức đánh mất cả nhân tính tốt đẹp vốn có của bản thân. Dù ông đau xót khi phải để Chí chết nhưng đó lại là một cách rất xứng đáng để Chí không làm nên những cái nhìn ghê tởm cho mọi người nữa. Mặt khác, giết Bá Kiến là để cứu giúp nhân dân, để đánh thức lòng can đảm của dân chúng, thúc giục họ hãy đứng lên tự giải phóng lấy chính mình. Như vậy, hành động Chí giết Bá Kiến là hoàn toàn đúng, đặc biết rất đúng với tâm niệm được làm người lương thiện của Chí.

Share post:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here