Việc dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non được xem là hết sức quan trọng. Vì đây là kỹ năng sống cơ bản giúp trẻ có thể hội nhập và chủ động sáng tạo, tự tin bước vào cuộc sống. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để biết dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ đúng cách nhé!
Kỹ năng tự phục vụ là gì? Trẻ thiếu kỹ năng tự phục vụ sẽ gặp vấn đề gì?
Kỹ năng tự phục vụ chính là kỹ năng tự chăm sóc bản thân trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Ba mẹ nên dạy con kỹ năng tự phục vụ từ sớm để bé có thể tự lập trong cuộc sống tốt nhất.
Từ 1 tuổi trở đi, trẻ sẽ bắt đầu hoàn thiện nhiều kỹ năng trong đó có kỹ năng tự phục vụ. Và ở mỗi độ tuổi khác nhau trẻ cần phải chinh phục các kỹ năng riêng. Đối với một đứa trẻ nếu bị thiếu kỹ năng tự phục vụ cơ bản, bé sẽ gặp những vấn đề sau đây:
- Gặp khó khăn trong cuộc sống khi không thể tự mình thực hiện được các kỹ năng như: xúc cơm, uống nước, đội mũ…
- Có tâm lý ỉ lại muốn người khác phục vụ mình.
- Không có sự chủ động tự đáp ứng được nhu cầu của bản thân khi cần.
- Bị lúng túng, không thể tự xử lý được và phải nhờ người khác giúp đỡ.
- Khó thích nghi được với các môi trường mới nếu ba mẹ không ở cạnh bên.
Xem thêm: 5 cách dạy con học giỏi hiệu quả ba mẹ nên áp dụng
Tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ từ sớm?
Nếu không có kỹ năng tự phục vụ bản thân, trẻ sẽ không thể tự lập và chủ động trong cuộc sống được. Chính vì thế, việc dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non từ sớm sẽ giúp tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, nó còn giúp tạo nền tảng vững chắc cho tương lai của bé.
Dưới đây là những lợi ích tuyệt vời cho trẻ khi có kỹ năng tự phục vụ bản thân:
- Trẻ sẽ có ý thức và tự chăm sóc bản thân mình tốt hơn trong mọi hoàn cảnh.
- Có khả năng vận động một cách tinh tế và khéo léo.
- Học được đức tính cẩn thận, gọn gàng làm việc chi tiết hơn.
- Được rèn luyện khả năng lập kế hoạch, lập mục tiêu và kiên trì thực hiện các mục tiêu đó.
- Thông qua quá trình tự phục vụ sẽ giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, tập trung và có khả năng xử lý cũng như giải quyết vấn đề.
- Trẻ sẽ có khả năng giúp đỡ được các bạn khác và người thân trong gia đình. Từ đó vun đắp thêm tình cảm, sự yêu mến và tin tưởng.
- Hiểu được giá trị của lao động, có tinh thần trách nhiệm với công việc, luôn biết ơn mọi người khi được giúp đỡ.
- Học được cách tôn trọng mọi người xung quanh và giúp yêu thương, cảm thông và chia sẻ hơn.
Như vậy, với những lợi ích thiết thực như trên thì ba mẹ cần phải dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non sáng sớm, càng tốt nhé!
Tham khảo thêm: 6 Cách dạy con ngoan nghe lời bố mẹ không nên bỏ qua
Các kỹ năng tự phục vụ cần thiết phải rèn luyện cho bé
Kỹ năng tự xúc ăn
Đối với các bé từ trên 1 tuổi, ba mẹ đã có thể dạy cho con kỹ năng tự xúc ăn được rồi. Đây là những bước đầu tiên cho việc hình thành kỹ năng tự phục vụ của bản thân. Với kỹ năng này, trẻ sẽ không cần sự hỗ trợ của ba mẹ trong quá trình ăn uống nữa. Đến bữa ăn, ba mẹ chỉ cần cho bé ngồi vào ghế ăn dặm chuyên dụng. Sau đó, ba mẹ đưa bát và thìa cho bé tự xúc thức ăn. Điều này sẽ giúp cho bé phấn khởi và thích ăn hơn tránh tình trạng kém ăn.
Kỹ năng tự uống nước
Tự uống nước cũng là kỹ năng tự phục vụ cơ bản mà trẻ mầm non nên biết. Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con biết cầm ly nước đúng cách. Thời gian đầu bé chưa cầm chắc nên mua loại bình nước có 2 tay cầm cho bé dễ cầm hơn. Sau này, khi bé đã quen bạn có thể đổi qua loại có 1 tay cầm. Ba mẹ cũng nên hướng dẫn con cách tự lấy nước để uống. Thao tác mở vòi nước và nên cầm ly nước bằng tay phải sau đó đặt ly nước dưới vòi nước và dùng tay trái mở vòi. Nên nhắc bé uống lấy nước tiết kiệm không quá đầy để hạn chế làm đổ nước ra bên ngoài. Sau khi bé uống nước xong, ba mẹ nên nhắc nhở trẻ cất ly nước vào chỗ cũ để rèn luyện thói quen ngăn nắp.
Kỹ năng tự thay quần áo
Thay quần áo cũng là kỹ năng tự phục vụ mà trẻ mầm non cần có. Mặc dù việc tự thay quần áo có vẻ khó khăn. Nhưng nếu ba mẹ kiên nhẫn tập cho con từ nhỏ thì chắc chắn sẽ thành công. Đầu tiên, ba mẹ cần chuẩn bị cho con một chiếc áo sau đó đặt áo lên trên bàn rồi hướng dẫn trẻ đưa tay trái cầm ống tay phải, tay phải sẽ luồn vào ống tay trái. Tiếp tục làm tương tự với tay còn lại là sẽ mặc được cái áo lên trên người. Đến bước cài khuy thì cài từ dưới lên trên. Đối với quần thì đơn giản hơn, vì giai đoạn này các bé chủ yếu mặc quần chun. Mẹ chỉ cần hướng dẫn bé cho hai chân vào 2 ống quần và kéo lên từ từ.
Kỹ năng tự vệ sinh cá nhân
Đối với các bé mầm non thì việc dạy kỹ năng tự vệ sinh cá nhân là vô cùng cần thiết. Cha mẹ nên hướng dẫn bé đánh răng đúng cách. Lấy 1 lượng kem đánh răng vừa đủ. Sau đó, súc miệng với nước và đưa bàn chải đánh răng vào chải răng nhẹ nhàng từ mặt ngoài của răng sau đó đến mặt trong. Và đánh từ hàm trên lên đến hàm dưới rồi súc miệng lại với nước sạch. Ngoài đánh răng, thì ba mẹ cũng nên dạy con cách tự rửa mặt. Mẹ có thể vò sẵn khăn với nước rồi đưa cho bé lau mặt.
Kỹ năng tự đi cầu thang
Đối với các gia đình ở nhà cao tầng thì kỹ năng đi cầu thang rất quan trọng. Các bạn hãy hướng dẫn bé cách đi cầu thang như thế nào cho an toàn. Cụ thể, bạn nên hướng dẫn bé đi về phía bên tay phải, 1 tay bám vịn vào thành cầu thang. Bé đi từng bậc, từng bậc một cách chậm rãi. Nên nhắc nhở bé không nên chạy nhảy quá nhanh khi đi cầu thang để tránh nguy hiểm xảy ra.
Kỹ năng làm việc nhà
Ngay từ khi con nhỏ, ba mẹ đã có thể dạy con kỹ năng làm việc nhà. Các bé hoàn toàn có thể dự dọn dẹp chăn gối, đồ chơi, gấp quần áo… giúp ba mẹ nếu được dạy. Ba mẹ cũng có thể dạy con thêm các kỹ năng khác như: quét nhà, tưới cây, rửa rau, nhặt rau… để phụ giúp ông bà, bố mẹ khi cần.
Kỹ năng đi vệ sinh đúng chỗ
Việc rèn luyện cho trẻ đi vệ sinh đúng nơi quy định cũng là kỹ năng tự phục vụ quan trọng mà ba mẹ cần dạy cho bé. Ba mẹ nên dạy cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng nơi, đúng chỗ ở khu vực bồn cầu hoặc bô theo quy định. Tiếp đến, nên rèn trẻ biết tự xả nước khi đi vệ sinh và biết rửa tay sau khi đi vệ sinh về.
Những bài viết liên quan: Tổng hợp những bài ca dao cho trẻ mầm non hay nhất
Một số nguyên tắc khi dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh đã áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho trẻ. Ngay từ khi các bé bước vào độ tuổi 2-4 đã đã trang bị cho con các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Và bảo vệ bản thân là kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với trẻ khi bắt bắt đầu tham gia vào xã hội. Khi dạy cho con kỹ năng này, ba mẹ cần phải nắm được một số các nguyên tắc sau đây:
Ba mẹ cần thường xuyên nói chuyện và trao đổi với trẻ
Nói chuyện là cách tốt nhất để cha mẹ hiểu được vấn đề con đang gặp phải. Từ đó kéo gần khoảng cách giữa ba mẹ và con cái. Việc thường xuyên trao đổi với con còn giúp cho ba mẹ tạo được niềm tin với con. Ngoài ra, từ trong các câu chuyện ba mẹ sẽ nắm được vấn đề con đang gặp và hướng dẫn con cách giải quyết tốt nhất. Thời điểm tốt nhất để ba mẹ có thể nói chuyện với con đó là lúc đi dạo, lúc đang làm việc nhà hay trước khi đi ngủ…Hãy giữ một thái độ bình tĩnh và dịu dàng khi nói chuyện với con. Như vậy, bé mới sẵn sàng chia sẻ cho ba mẹ.
Khi trẻ sai hãy bình tĩnh giải thích cho trẻ
Một trong những lỗi thường thấy ở các bậc phụ huynh đó chính là khi trẻ mắc lỗi thường quát mắng trẻ. Điều này sẽ thực sự phản tác dụng khiến cho sợ sệt mà lâu dần còn hình thành tâm lý phản kháng. Cách tốt nhất là khi gặp vấn đề này, ba mẹ cần đặt mình vào tình huống của con để xử lý. Khi bé sai hãy bình tĩnh lắng nghe và giải thích cho con rằng con đã sai ở đâu. Sau đó mới tiến hành trách phạt con theo hình thức phù hợp. Tuyệt đối không dùng đòn roi sẽ khiến con bị tổn thương về thân thể và tâm lý.
Sử dụng cách đóng kịch để dạy kỹ năng tự vệ cho trẻ
Theo các nhà khoa học chia sẻ thì trẻ chỉ có thể hiểu được 10% những gì được nghe, 40% những gì trẻ nhìn thấy, 60% những gì trẻ nhắc lại và 90% những gì trẻ vừa nói và làm. Chính vì thế, ba mẹ hãy thử vận dụng cách đóng kịch để có thể giúp cho bé nắm được kỹ năng tự vệ tốt nhất.
Ba mẹ có thể cùng con diễn lại những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như ba mẹ đóng vai là người lạ đến nhà hỏi thăm bé. Lúc này, người lạ sẽ đưa cho bé một túi kẹo và dụ đi chơi. Nếu bé đồng ý ba mẹ sẽ giả vờ làm động tác bắt cóc con. Sau đó, ba mẹ sẽ rút ra cho con bài học rằng. Khi gặp người lạ dù được cho cái gì cũng không được phép nhận. Vì nếu nhận và đi theo, con sẽ bị bắt cóc. Như vậy, với việc đóng kịch giả định đã giúp cho ba mẹ dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp người lạ rồi đấy.
Đặt ra các quy tắc an toàn và không an toàn, được phép và không được phép cho bé
Ba mẹ khi dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân cần phải tự đặt ra cho bé các quy tắc an toàn và không an toàn, được phép và không được phép. Khi đặt ra các quy tắc này, ba mẹ cần đóng vai trò làm gương cho trẻ. Với mỗi quy tắc, ba mẹ sẽ đặt ra mức thưởng – phạt rõ ràng để bé có thể nhận thức được. Nên đặt ra ranh giới rõ ràng cho bé. Nếu như vi phạm các quy tắc đó sẽ gặp phải những vấn đề gì. Từ đó, bé sẽ rút kinh nghiệm và không bao giờ vi phạm.
Quy tắc đặt mật mã với người lạ
Một trong những quy tắc quan trọng nhất khi dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân đó chính là việc con tuyệt đối không được phép đi theo người lạ. Dù là người đó có nói rằng: chú đưa con đi gặp mẹ hay cô đưa con đi gặp bố nhé!…Những lời nói này đa phần sẽ giúp bé tin tưởng và đi theo. Nhưng ba mẹ cần dạy con quy tắc mật mã với người lạ. Hãy nói “Không” trong bất kỳ tình huống nào.
Sau này, nếu trẻ đã bắt đầu lớn hơn có nhận thức tốt. Ba mẹ nên dạy con quy tắc mật mã. Ba mẹ có thể áp dụng cho con khi con phải ở nhà một mình và có người lạ gọi cổng. Ví dụ như cả nhà sẽ thống nhất câu hỏi mật mã đó chính là “Con thích món đồ chơi nào nhất?” Và câu trả lời là “chiếc ô tô màu vàng”. Sau này, khi con cần phải ở nhà 1 mình nếu có người gọi cửa, bé sẽ dùng mật mã này để xác nhận xem có phải bố mẹ mình không.
Tôn trọng không gian riêng tư của con
Muốn con biết cách bảo vệ bản thân. Ba mẹ cần biết cách tôn trọng không gian riêng tư của con. Ngay từ khi bé còn nhỏ, ba mẹ đã không nên thay đồ cho con ở những nơi công cộng. Ngay cả việc tắm rửa, đi vệ sinh của con đều phải được tôn trọng. Với những nhà có con gái thì bà và mẹ mới được tắm cho bé. Đối với nhà có bé trai ba, mẹ đều có thể tắm cho con. Nhưng phải dạy con không cho phép bất cứ người lạ nào được chạm vào vùng kín của con. Điều này sẽ giúp bé học được cách bảo vệ bản thân mình tốt hơn.
Tạm kết:
Trên đây, Tạp Chí Giáo Dục đã chia sẻ với các bạn lý do vì sao cần dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non. Những kỹ năng này sẽ giúp cho trẻ tự lập hơn và có thể tự chăm sóc bản thân sau này khi không có bố mẹ ở bên cạnh. Ngoài ra, các kỹ năng này cũng tạo nền tảng cho bé phát triển toàn diện sau này.