Trong kho tàng thơ ca của Việt Nam, thể thơ 8 chữ hay còn gọi là thơ bát ngôn được sử dụng rất nhiều. Để làm được một bài thơ 8 chữ không khó. Tham khảo ngay bài viết hôm nay để biết thể thơ 8 chữ là gì? Đặc điểm, cách gieo vần và cấu trúc của thể thơ 8 chữ này như thế nào nhé!
Trên thực tế việc làm thơ 8 chữ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với các thể thơ khác vì không bị gò bó bởi luật thơ. Dưới đây là những thông tin chi tiết về thể thơ này cho các bạn tham khảo:
Thể thơ 8 chữ là gì?
Thể thơ 8 chữ là thể thơ mỗi dòng có tám chữ được ngắt nhịp một cách rất đa dạng. Thể thơ 8 chữ này có thể chia ra nhiều đoạn dài với số câu không hạn định. Và cấu trúc bào có thể được chia thành nhiều khổ, mỗi khổ 4 dòng với cách gieo vần chân rất phổ biến.
Trong thể thơ 8 chữ, yếu tố quan trọng nhất cần phải kể đến cho chính là tính “nhạc” trong thơ. Thông thường các câu thơ trong bài thơ 8 chữ đều mang đến những âm hưởng du dương hấp dẫn.
Thơ 8 chữ xuất hiện từ thập niên 30-40 của thế kỷ 20 trong phong trào thơ mới tiền chiến. Một trong số các tác phẩm tiêu biểu làm bằng thể thơ 8 chữ là của hai nhà thơ Hồ Dzếnh và Xuân Diệu.
Xem thêm: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
Luật bằng – trắc của thể thơ 8 chữ
Thông thường thì trong câu thơ 8 chữ đều có âm điệu rất rõ ràng. Nếu như chữ cuối có thanh trắc thì chữ thứ 3 phải là thanh trắc, chữ thứ 5 là thanh bằng. Tương tự chữ cuối có thanh bằng thì chữ thứ 3 cũng phải là thanh bằng, chữ thứ 5, thứ 6 sẽ là thanh trắc mới được.
Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết quy luật bằng – trắc cho các bạn tham khảo:
Đối với các câu có chữ cuối là thanh trắc thì chữ thứ ba phải là thanh trắc, chữ thứ 5 hoặc thứ 6 phải là thanh bằng:
Ngắt câu chữ thứ 5 sẽ là: x x T (b) B x x T
Ngắt câu chữ thứ 6 sẽ là: x x T x (b) B x T
Đối với các câu có chữ cuối là thanh bằng thì chữ thứ ba là thanh bằng, chữ thứ năm hoặc sáu là thanh trắc:
Ngắt câu chữ thứ 5 sẽ là : x x B (t) T x x B
Ngắt câu chữ thứ 6 sẽ là : x x B x (t) T x B
Lưu ý:
Trong một câu thơ nên có sự cân bằng giữa số lượng các thanh bằng và thanh trắc. Ví dụ thăng bằng và trắc sẽ là: 3/5 hoặc ngược lại. Một số tác giả cũng có thể để thanh bằng – trắc xen kẽ đều đặn với nhau.
Trong một bài thơ, việc áp dụng luật bằng trắc nhiều hay ít còn tùy theo nội dung mà tác giả muốn truyền tải. Và phụ thuộc vào nghệ thuật biểu cảm của câu thơ, và tùy tài năng của nhà thơ đó như thế nào. Trên thực tế, những câu thơ không theo luật đôi khi là những câu thơ hay, có giá trị nghệ thuật cao, tạo nên những điểm nhấn thú vị, mang lại nét riêng cho bài thơ.
Tham khảo thêm: thể thơ thất ngôn bát cú đường luật
Cách ngắt nhịp của thể thơ 8 chữ
Đối với thể thơ 8 chữ sẽ có thể được ngắt nhịp ở bất kỳ đâu, thường sẽ ngắt nhịp theo dạng sau: 3/5, 3/3/2, 3/2/3 hoặc cũng có thể là 4/4, 2/2/2/2, 5/3…Các bạn cần thay phiên nhau ngắt nhịp để bài thơ có tiết tấu hay, nhịp nhàng hơn.
Ví dụ về cách ngắt nhịp của thể thơ 8 chữ:
Ta rắp nâng lời chào (5)/ ngày mới mẻ(3),
Vì Đông,(2)/ Thu,/ hay Hạ(2)/(3) cũng như Xuân;
Cũng có tình riêng(4)/ với lòng thi sĩ(4).
Ta vui ca(3)/ trông ngày tháng xoay vần(5).
(Khúc ca hoài xuân – Thế Lữ)
Cách gieo vần của thể thơ 8 chữ
Trên thực tế, việc gieo vần cho thể thơ 8 chữ gần như tương tự với gieo vần cho thể thơ 4 chữ. Dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ chi tiết cho các bạn cách gieo vần:
Gieo vần liên tiếp
Gieo vần liên tiếp sẽ được thực hiện đó là cứ hai vần bằng rồi đến hai vần trắc, hoặc hai vần trắc rồi đến hai vần bằng. Như vậy, trong bài câu 1 sẽ vần câu 2, câu 3 vần câu 4, hoặc là câu 2 vần câu 3, câu 4 vần câu 5. Ví dụ:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách – cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về…
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa…
(Ngập ngừng – Hồ Dzếnh)
Gieo vần chéo (Vần gián cách)
Gieo vần chéo chính là cách gieo một vần bằng rồi tới một vần trắc. Như vậy, trong bài thơ sẽ có câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4.
Ví dụ:
Trời xuân vắng, cỏ cây dền xào xạc
Bóng đêm luôn hoảng hốt mãi không thôi.
Gió xuân lạnh, ngàn sâu, thời ca hát
Trăng xuân sầu, sao héo, cũng thôi cười.
(Đêm xuân sầu – Chế Lan Viên)
Gieo vần ôm
Khi gieo vần ôm trong bài sẽ có câu 1 vần với câu 4, câu 2 vần câu 3. Ví dụ:
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
(Tuổi mười ba – Nguyên Sa)
Giới thiệu một số bài thơ được làm theo thể thơ 8 chữ hay
Thể thơ 8 chữ được vận dụng rất nhiều trong phong trào thơ mới và thơ hiện đại ngày nay. Dưới đây là một số bài thơ 8 chữ hay của các tác giả trẻ cho các bạn tham khảo:
Bài thơ: Ân tình dạ khúc – Đinh Hùng
Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở
Em tới đây tình tự một đôi lời
Hồn phong hương trầm tuổi mộng hai mươi
Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ
Bài thơ: Trước cổng trường con gái
Khi các em ùa ra như đàn bướm
Bao anh chàng đứng dựa dưới hàng cây
Tôi ngoài cuộc – đứng bên – và thấy hết
Nhiều thư tình vội vã lén trao tay
Tôi cũng có một phong thư muốn gửi
Suốt mười năm lỡ thất lạc số nhà
Nào các em hãy nhắn giùm tôi với
Cũng cổng trường này, cô gái ấy đi ra
Cô gái ấy đi ra… mười năm không thấy lại
Chỉ các em cứ lũ lượt tan trường
Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại
Tay tôi cầm muốn gỡ ngại tơ vương
Nên cứ mỗi buổi chiều tan lớp học
Khi các em đang rối rít hẹn hò
Mắt lơ đễnh thoáng ngạc nhiên bắt gặp
Có một người đãng trí đứng buồn xo
Tham khảo thêm: Những bài thơ thất ngôn bát cú đường luật
Bài thơ: Mẹ Tôi
Có người mẹ hơn nửa đời tần tảo
Nặng trên vai chuyện cơm áo gạo tiền
Luôn nhẫn nại giữa dòng đời vạn biến
Nét nhân từ Người sánh tựa cô tiên.
Có người mẹ qua bao mùa giông bão
Lắm khó khăn da thô ráp chai sần…
Đổi tuổi xuân cùng mồ hôi nước mắt
Cho con mình được khôn lớn thành nhân.
Có người mẹ tấm lòng luôn rộng mở
Chở che con tha thứ lúc lỗi lầm
Dù phải nhận về mình bao cay đắng
Chẳng oán hờn vì hai chữ tình thâm.
Có người mẹ giờ đây không còn nữa
Bóng hình người mãi ngự trị tim tôi
Không giàu sang không uy quyền địa vị
Luôn yêu thương trân quý nhất trên đời….
Trên đây là một số thông tin cơ bản của Tạp chí giáo dục giới thiệu về thể thơ 8 chữ. Hy vọng với những thông tin chúng tôi cung cấp trên đây sẽ giúp cho các bạn có thể hiểu và tự làm được cho mình một bài thơ bát ngôn hay và đúng chuẩn nhất. Thực tế chỉ cần các bạn có cảm xúc có vốn từ phong phú,và nắm rõ các bước và quy luật bằng trắc thì đã có ngay cho mình một bài thơ siêu hay rồi.
Chúc các bạn thành công!